NDĐT – Hiện có nhiều băn khoăn về triển vọng ngành da giày của Việt Nam trước việc rút khỏi Hiệp định TPP của Mỹ. Một TPP không có Mỹ khiến chưa rõ cơ hội giảm thuế và do đó ít nhiều ảnh hưởng đến cơ hội mở rộng xuất khẩu sản phẩm da giày của Việt Nam sang nước này với tư cách một trong số 50 thị trường xuất khẩu da giày lớn nhất của Việt Nam (sản phẩm túi xách cũng được xuất khẩu sang 40 nước, trong đó thị trường Mỹ chiếm tỷ lệ cao nhất, tới 41,6%). |
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sự băn khoăn là không quá lớn trước những động lực tăng trưởng trong ngành da giày trên thực tế khi chưa có TPP và kỳ vọng sẽ ngày càng gia tăng dù có thể sẽ không có TPP, thể hiện nổi bật ở 5 điểm sau: Thứ nhất, ngành da giày Việt Nam có năng lực cạnh tranh khá tốt nhờ sự ổn định kinh tế, chính trị và xã hội, nguồn nhân công đông đảo, giá rẻ và tay nghề cao, đang trong thời kỳ dân số vàng. Việt Nam hiện là nước sản xuất giày và xuất khẩu giày dép lớn thứ ba châu Á (sau Trung Quốc và Ấn Độ) và thứ tư trên thế giới (sau Italia), với kim ngạch chiếm khoảng 10% thị phần toàn cầu. Sản phẩm da giày là sản phẩm xuất khẩu chủ lực đứng thứ ba và chiếm 10% kim ngạch xuất khẩu hàng năm của Việt Nam. Năm 2016, xuất khẩu của da giày – túi xách đạt 16,2 tỷ USD, tăng 8,8% so năm 2015; dự đoán năm 2017, kim ngạch xuất khẩu ước tính đạt gần 18 tỷ USD và phấn đấu đạt mục tiêu xuất khẩu đến năm 2030 là 54 tỷ USD. Đặc biệt, đang có sự cải thiện về cơ cấu sản phẩm, với dòng sản phẩm có giá trị cao chỉ chiếm khoảng 5% trước đây, thì hiện nay đã đạt mức trên dưới 10%. Thứ hai, Việt Nam đang có vị thế đáng nể trong xuất khẩu da giày vào Mỹ. Từ năm 2001 đến nay, dù chịu mức thuế hiện hành trung bình là 14,3%, nhưng xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang Hoa Kỳ luôn tăng trung bình 20 – 21%/năm và Việt Nam chiếm 10% thị phần nhập khẩu da giày hàng năm vào Hoa Kỳ. Hãng sản xuất giày thể thao lớn nhất của Mỹ là Nike có sản lượng giày sản xuất tại Việt Nam năm 2013 chiếm tới 42% tổng sản lượng của hãng, so với tại Trung Quốc chỉ 30% và 25% tại Indonesia. Nhật Bản chọn Việt Nam làm nơi đặt cơ sở sản xuất, cung cấp hơn 30% tổng sản lượng da giày hàng năm của mình. Thứ ba, xuất khẩu da giày sang EU luôn có tầm quan trọng hơn so với thị trường Hoa Kỳ, với kim ngạch xuất khẩu sang EU năm 2014 đạt 3,6 tỷ USD, tăng 24,1% so năm trước, trong khi xuất sang Hoa Kỳ chỉ đạt 3,3 tỷ USD, dù tăng 26,9%… Hiện, Việt Nam sản xuất khoảng 920 triệu đôi giày mỗi năm, xuất khẩu hơn 800 triệu đôi tới hơn 50 thị trường trên thế giới, trong đó EU chiếm tỷ lệ lớn nhất. Việc ký kết và triển khai các FTA với Hàn Quốc, Liên minh hải quan Nga – Kazakhstan – Belarus, AEC và sắp tới là EU đang và sẽ mở ra những cơ hội xuất khẩu mới cho ngành da giày Việt Nam, nhất là nhờ giảm nhanh hàng rào thuế quan (vào EU từ mức 12,4% hiện nay) về 0-5% (trung bình khoảng 95 – 97% dòng thuế), tiếp cận thuận lợi công nghệ và giảm thiểu các chi phí đầu vào. Hơn nữa, ngành da giày Việt Nam vẫn đang là đơn vị thụ hưởng các hỗ trợ từ EU, như dự án thương mại đa biên MUTRAP 1,7 tỷ euro, Unido, Switch – Asia, dự án CBI với việc nâng cao năng lực cho cán bộ Hiệp hội xúc tiến thương mại. Thứ tư, sự hình thành AEC tạo thêm xung lực mới cho ngành da giày Việt Nam. Thực tế cho thấy, dù Thái-lan, Việt Nam, Indonesia và Malaysia là những nước trong khối ASEAN có ngành công nghiệp da giày phát triển nhất và có sự tương đồng nhưng so với các quốc gia khác, Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh về nguồn lao động tay nghề cao, giá nhân công… nên khả năng mở rộng thị trường khối AEC là khá tốt. Bên cạnh đó, Việt Nam còn có cơ hội hợp tác với các nước trong khối hợp tác phát triển nguồn nguyên phụ liệu, hình thành chuỗi cung ứng giá trị mới, giúp giảm suất đầu tư, tăng năng lực sản xuất và cung ứng với sản lượng lớn, giảm dần lượng nguyên phụ liệu nhập khẩu, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm và góp phần cạnh tranh giữ vững thị phần tại các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản. Thứ năm, Việt Nam đang tham gia đàm phán vòng đàm phán Hiệp định RCEP (bao gồm 10 nước ASEAN và sáu nước khác là Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand) ở vòng thứ 15, với nhiều khả năng kết thúc vào giữa năm 2017. Dù hiệp định này có nội dung và mức độ hạn chế hơn so với Hiệp định TPP, nhưng khi hoàn thành và triển khai, kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy khối lượng giao dịch thương mại toàn châu Á tăng lên và khuyến khích đầu tư vào các chuỗi cung ứng mới trên cơ sở giảm bớt sự phi lý của các hiệp định thương mại tự do FTA có sẵn trước đây và tăng cường sự hấp dẫn của khu vực như một cơ sở sản xuất chung. Bên cạnh đó, cũng cần thấy rằng, trong thời gian qua, cùng quá trình đàm phán TPP, nhiều xung lực tích cực đã bộc lộ từ sự thay đổi nhận thức của cộng đồng lãnh đạo, công chức, chủ doanh nghiệp, công nhân và người dân nói chung về hội nhập. Kể từ năm 2013, với một quy mô và tốc độ cải cách chưa từng có, Việt Nam đã thông qua hơn 100 dự luật và đang tiếp tục đẩy mạnh việc thông qua 30 dự luật khác, môi trường đầu tư được cải thiện rõ rệt được ghi nhận trong đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế; Hàng loạt các doanh nghiệp và ngành kinh tế công nghiệp xuất khẩu của Việt Nam như giày dép, thủy sản, đồ gỗ, dệt may… đã và đang tích cực đầu tư, cải cách quản trị, tái cơ cấu… Hơn nữa, ngành da giày Việt Nam cũng nhận thức được những điểm yếu của mình, nhất là trong phấn đấu tăng tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm được sản xuất bởi các doanh nghiệp Việt Nam phải được nâng lên mức 60% để đáp ứng được điều kiện về quy tắc xuất xứ trong các FTA mà Việt Nam đã tham gia, giúp giảm các chi phí về logistics và nâng cao sự chủ động của doanh nghiệp Việt. Hiện nay, tỷ lệ nội địa hóa của ngành mới chỉ chiếm 40-45%, trong đó chủ yếu gồm hai mặt hàng thứ yếu là đế giày, chỉ khâu và vải cho sản xuất loại giày vải cấp thấp; còn phải nhập khẩu hầu hết các các loại máy móc và nguyên liệu quan trọng nhất để phục vụ sản xuất trong ngành, như vải cao cấp, da nhân tạo và nhập khẩu từ 1,1 – 1,5 tỷ USD da thuộc mỗi năm. Trong các chuỗi cung ứng toàn cầu của các thương hiệu sản xuất giày dép lớn trên thế giới như Nike, Adidas… doanh nghiệp Việt ở thế bị động do ở vị thế làm gia công, sản xuất phụ thuộc vào sự chỉ định của nhà nhập khẩu. Nghịch lý là ở chỗ, Việt Nam là cường quốc sản xuất và xuất khẩu da giày, nhưng các doanh nghiệp nội lại bị lấn sân nhà và cả sân quốc tế. Việt Nam hiện có khoảng 800 doanh nghiệp, trong đó khu vực FDI chiếm 23% về số lượng, nhưng chiếm hơn 65% kim ngạch xuất khẩu. Thị trường nội địa với quy mô tiêu thụ tới 180 triệu đôi, trị giá 5 tỷ USD/năm, cũng do các doanh nghiệp ngoại nắm giữ tới 60% thị phần (trong đó, Trung Quốc khống chế phân khúc hàng giá rẻ, còn các thương hiệu nước ngoài chi phối phân khúc hàng cao cấp). Thực tế đòi hỏi các doanh nghiệp Việt cần tăng cường chủ động khắc phục tình trạng thiếu vốn, công nghệ, nhân sự cao cấp, năng lực quản trị và năng suất lao động thấp, coi trọng hoạt động bộ phận nghiên cứu, phân tích về môi trường, tiêu chuẩn hóa chất lượng và tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, hình thành nên chuỗi liên kết nội địa giữa các nhà sản xuất, cung ứng nguyên phụ liệu trong nước, đáp ứng tốt các yêu cầu về xuất xứ hàng hóa, chất lượng hàng hóa, vệ sinh môi trường, lao động và quy trình công nghệ, không ngừng cải thiện năng lực cạnh tranh cho ngành da giày và túi xách Việt Nam. Về tổng thể, sự cộng hưởng tác động tích cực của các thành tựu và tiềm năng, cùng những nỗ lực thay đổi nhận thức, cải cách thể chế và tăng cường đầu tư vĩ mô và vi mô trên đây cho phép nền kinh tế nói chung, ngành da giày Việt Nam nói riêng đã, đang và sẽ tiếp tục đổi mới, phát triển và hội nhập theo xu hướng chung sâu hơn, bền vững hơn vào nền kinh tế toàn cầu, dù có TPP hay không… |