Ngành da giầy: Những công ty quy mô chục nghìn tỷ “không mấy ai biết”

Giầy dép là một trong những ngành xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu năm 2014 đạt hơn 10,3 tỷ USD – chiếm gần 7% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Trong 9 tháng đầu năm 2015, giá trị xuất khẩu tiếp tục tăng 18% so với cùng kỳ, đạt 8,8 tỷ USD. Với tốc độ tăng trưởng này, giá trị xuất khẩu giầy dép năm 2015 hoàn toàn có thể đạt trên 12 tỷ USD.

Một ngành kinh doanh lớn như vậy tất nhiên phải có những doanh nghiệp quy mô lớn. Tuy nhiên, nếu không phải người trong lĩnh vực da giày sẽ rất khó có thể biết được những doanh nghiệp lớn nhất trong ngành này.

Những thương hiệu nội địa lâu năm như Biti’s, Giầy Thượng Đình… cũng chỉ có doanh số đôi ba chục triệu USD mỗi năm, khó có thể xếp vào “chiếu trên” trong ngành. Trong khi đó, những cái tên đầy xa la và chẳng có chút ấn tượng nào như Pouyuen, Chang Shin, Tae Kwang Vina lại là những doanh nghiệp lớn nhất doanh thu hàng năm lên đến vài trăm triệu USD, thậm chí cả tỷ USD như PouYen.

Các doanh nghiệp này là đối tác gia công sản xuất cho hầu hết các thương hiệu giầy hàng đầu thế giới như Nike, Adidas, Converse…

Với doanh thu năm 2014 đạt xấp xỉ 23.000 tỷ đồng, quy mô của PouYuen Việt Nam bỏ xa so với các doanh nghiệp khác trong ngành da giầy. Để tạo ra được khoản doanh thu này, PouYuen sở dụng hơn 90.000 nhân viên – đưa công ty trở thành một trong những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nhất tại Việt Nam. Cái tên PouYuen đã được nhắc đến nhiều lần hồi đầu năm nay khi xảy ra vụ đình công quy mô lớn của công nhân của công ty này.

PouYuen là một thành viên của tập đoàn Pou Chen của Đài Loan – một trong những nhà sản xuất giầy dép lớn nhất thế giới. Tại Việt Nam, ngoài PouYuen, hệ thống Pou Chen còn nhiều doanh nghiệp khác như Pou Hung, Pou Sung, Pou Chen Việt Nam… Tổng doanh thu của nhóm này đạt hơn 1,5 tỷ USD – tương đương 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành.

Bên cạnh Pou Chen, thì một tập đoàn đến từ Đài Loan khác là Feng Tay cũng đang sở hữu gần chục nhà máy tại Việt Nam, gồm có Dona Standard, Đông Phương Đồng Nai, Đông Phương Vũng Tàu… với tổng doanh thu gần 10.000 tỷ đồng.

Xét về tổng thể, các doanh nghiệp đến từ Đài Loan và Hàn Quốc chiếm phần lớn thị phần xuất khẩu da giầy của Việt Nam. Những doanh nghiệp Hàn Quốc lớn trong ngành có thể kể đến như Tae Kwang Vina (doanh thu 2014 đạt trên 9.700 tỷ đồng), Chang Shin (trên 9.300 tỷ đồng), Hwaseung Vina (hơn 5.000 tỷ đồng)…

Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung có quy mô khá nhỏ, khó có khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực gia công sản phẩm da giày với các doanh nghiệp FDI. Một số doanh nghiệp có quy mô lớn có thể kể đến như CTCP Đầu tư Thái Bình (TBS Group), CTCP Công nghiệp Đông Hưng…

TBS Group là doanh nghiệp nội địa hiếm hoi có thể “so kè” về quy mô với các doanh nghiệp FDI. Năm 2014, doanh nghiệp này đạt trên 5.300 tỷ đồng doanh thu và có lợi nhuận thuộc hàng tốt nhất trong ngành.

.